Để có thể để máy tính vận hành thì một bộ cấp nguồn hay còn gọi là nguồn máy tính chính là một yếu tố quan trọng để giúp điều tiết nguồn điện và phân bổ nguồn điện hợp lý giúp máy hoạt động ổn định.
Vậy PSU nguồn máy tính là gì và cách chọn mua cũng như kiểm tra nguồn máy tính như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật mọi thông tin mà bạn nên biết về nguồn máy tính trong bài viết sau nhé!
Nội dung chính
Nguồn máy tính là gì – PSU là gì?
Trước khi tìm hiểu về cách chọn mua hay test nguồn máy tính, bạn cần hiểu được nguồn máy tính là gì. Nguồn máy tính hay gọi tắt là PSU (viết tắt của Power Supple Unit) là một bộ phận nằm trong thùng máy, là một phần cứng không thể thiếu của các PC.
Nếu một PC mà thiếu đi bộ nguồn thì sẽ không thể hoạt động được do tất cả các linh kiện máy tính khác như CPU, mainboard, ổ cứng, card VGA, chuột,… đều cần có nguồn để cung cấp dòng điện.
Công suất của PSU cũng phụ thuộc vào các phần cứng khác trong đó CPU và card VGA chính là 2 bộ phận sử dụng nhiều điện năng nhất. Hiện nay trên thị trường có nhiều hãng sản xuất bộ nguồn tốt như CORSAIR, Antec, Gigabyte, Seasonic, Thermaltake,….
- Xem thêm: Có nên mua nguồn máy tính cũ
Chức năng của nguồn máy tính trên PC
Đúng như tên gọi, nguồn máy tính đảm nhiệm chức năng cung cấp nguồn điện cho các phần cứng khác của một PC, giúp các phần cứng này có năng lượng để hoạt động từ đó vận hành ổn định toàn bộ hệ thống PC.
Nguồn máy tính sẽ biến đổi dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều (DC) do các phần cứng khác của máy tính đều sử dụng dòng điện 1 chiều để hoạt động. Hiện nay có 2 bộ nguồn được sử dụng phổ biến chính là nguồn AT và ATX trong đó các máy đời mới thường là ATX.
Nguyên lý hoạt động của nguồn máy tính trên PC
Như đã đề cập, chức năng của nguồn máy tính chính là chuyển đổi dòng điện xoay chiều 110V, 220V thành dòng điện 1 chiều (DC) để cung cấp năng lượng cho các phần cứng khác của PC như ổ cứng, CPU, card VGA,….và không phải cứ 100W AC sẽ chuyển được thành 100W DC.
Chính vì thế mà trên các bộ nguồn máy tính bạn sẽ thấy nhà sản xuất dán tem “chuẩn 80 Plus” và đó có nghĩa là 100W dòng điện AC sẽ chuyển được thành khoảng 80% dòng điện DC. Bạn có thể xem bảng dưới đây để tham khảo thông số chuyển đổi:
Về nguyên lý hoạt động của một bộ nguồn máy tính, bạn có thể hình dung theo sơ đồ sau:
Dòng điện 2 chiều 110V hoặc 220V đi qua bộ chỉnh lưu của bộ nguồn và sau đó được chia ra 2 nguồn khác là nguồn cấp trước và nguồn chính. Tại nguồn cấp trước, dòng điện sẽ đi qua bộ ổn áp và xuất ra đường điện 5V STB còn ở nguồn chính sẽ được xuất thành nhiều đường điện:
- Đường điện +3.3V: Đường điện mới trên các bộ nguồn thế hệ mới, phù hợp chuẩn ATX, cung cấp điện cho bộ nhớ chính, CPU.
- Đường điện +5V: Cung cấp điện cho mainboard, linh kiện ngoại vi, CPU đời cũ.
- Đường điện -5V: Cung cấp điện cho các ổ đĩa mềm, mạch cấp điện các khe cắm bus đời cũ,….
- Đường điện +12V: Cung cấp điện cho ổ cứng, card mở rộng, CPU (nếu cần thiết) nên đây được xem là một đường điện quan trọng.
- Đường điện -12V: Đường điện được sử dụng đa số ở các dòng PC đời cũ và 1 số dòng máy đời mới cũng sẽ sử dụng đường điện này nhưng ít hơn do cường độ dòng điện yếu.
Sở dĩ có nhiều đường điện được xuất ra như vậy là để phù hợp với nhiều linh kiện của một chiếc PC, cung cấp dòng điện thích hợp để không khiến cho linh kiện bị hỏng do quá tải dòng điện.
Các cách test, kiểm tra nguồn máy tính có bị hỏng, bị yếu
Qua một số thông tin trên có thể thấy bộ nguồn máy tính hay PSU rất là quan trọng đối với một chiếc PC. Chính vì thế, khi bộ nguồn bị hỏng hay bị yếu sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến các linh kiện, khiến các bộ phận khác không thể vận hành tốt.
Vậy làm thế nào để kiểm tra nguồn máy tính có bị hỏng hay bị yếu hay không? Kiểm tra ngay với một vài cách sau đây nhé!
Đầu tiên bạn cần xác định một số triệu chứng cho thấy máy tính có thể đang bị lỗi nguồn khi gặp các dấu hiệu:
- Máy tính bị sập nguồn.
- Xuất hiện lỗi blue screen (màn hình xanh).
- Thùng máy đột ngột kêu to và tiếng ồn ngày càng tăng lên.
- Các bộ phận, linh kiện khác của PC hỏng dần.
- Quạt máy tính vẫn quay nhưng máy tính lại không thể khởi động được.
Đây chính là một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nguồn máy tính của bạn đang có vấn đề và để có thể xác định chắc chắn, hãy thực hiện một vài bước kiểm tra sau đây và lưu ý là thực hiện theo từng bước cũng như kiểm tra kĩ ở mỗi bước:
- Kiểm tra các công tắc nguồn ở phía sau thùng máy có đang tắt hay không.
- Kiểm tra cáp nguồn có bị lỏng hay không cũng như kiểm tra nguồn đã được kết nối với ổ điện hay chưa.
- Thử kết nối máy tính bằng một cáp nguồn khác để chắc chắn là cáp nguồn có bị hỏng hay là do PSU hỏng.
- Hãy kiểm tra kĩ các kết nối của các linh kiện trong thùng máy để chắc chắn dây không bị lỏng, bị đứt, bị ngắt kết nối.
- Tháo các linh kiện và phần cứng trong máy trừ ổ cứng boot và card VGA rời (nếu máy không có card VGA onboard). Nếu máy bạn có card VGA onboard thì hãy tháo card rời sau đó thử khởi động lại bộ nguồn.
Nếu bạn đã thực hiện các bước trên nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân nguồn không hoạt động thì bạn hãy tham khảo thêm một số cách kiểm tra thêm sau đây:
Đổi bộ nguồn khác để kiểm tra
Đầu tiên bạn cần tháo PSU ra nhưng không gỡ khỏi thùng máy, tiếp theo cắm PSU dự phòng và kết nối với motherboard, card VGA, ổ cứng sau đó cắm PSU vào ổ điện để kiểm tra. Nếu PC chạy thì có nghĩa là PSU cũ đã bị hỏng và cần thay thế, sửa chữa để khắc phục.
Sử dụng phần mềm
Bạn có thể sử dụng 1 số phần mềm theo dõi nếu bạn nghi ngờ các vấn đề về điện ảnh hưởng đến bộ nguồn. Các phần mềm như HWMonitor, Open Hardware Monitor sẽ hiển thị điện năng tiêu thụ của linh kiện và bạn cần theo dõi liên tục để ghi lại các chỉ số trung bình.
Điểm yếu của cách này chính là bạn sẽ cần phải thường xuyên quan sát, theo dõi để biết khi nào đường điện của nguồn gặp vấn đề. Bên cạnh đó thì điểm lợi của cách này chính là các phần mềm này miễn phí và cung cấp nhiều tính năng hơn ngoài việc theo dõi lượng điện năng tiêu thụ.
Kiểm tra xem bộ nguồn của bạn còn “sống” hay không
Bạn cần chuẩn bị bộ nguồn cần kiểm tra cùng với một dây dẫn điện (có thể sử dụng ghim để tiện lợi hơn cho việc kiểm tra). Tiếp theo bạn cắm 1 đầu dây dẫn vào chân màu xanh lá của nguồn và đầu dây còn lại vào một chân màu đen bất kỳ như hình sau:
Sau đó bạn hãy cắm dây nguồn vào ổ điện để bắt đầu kiểm tra và nếu quạt quay nghĩa là bộ nguồn vẫn sử dụng được. Tuy nhiên đây chỉ là cách kiểm tra nhanh nên đường điện có thể bị yếu nên sẽ không làm máy tính khởi động được.
Những cách trên sẽ giúp bạn kiểm tra được bộ nguồn của bạn có bị hỏng, bị yếu hay không nhưng các cách trên chỉ là tương đối nên sẽ không hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy bạn nên mang máy đến các tiệm sửa chữa để được các thợ sửa chữa chuyên nghiệp kiểm tra chính xác.
Qua bài viết về thủ thuật Build PC chúng tôi đã cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản về nguồn máy tính cũng như một vài cách giúp bạn có thể kiểm tra xem nguồn máy tính có bị hỏng hay không. Nếu bài viết hữu ích, hãy để lại cảm nhận của bạn dưới bài viết nhé!